Top 3 điểm thăm quan không thể bỏ qua ở Quảng Nam

Quảng Nam, mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió, luôn là điểm đến hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ và những di sản văn hóa lịch sử độc đáo. Trong số vô vàn những điểm đến quyến rũ, có ba cái tên nổi bật đã trở thành biểu tượng của du lịch Quảng Nam, níu chân bất kỳ ai đặt chân đến đây. Hãy cùng khám phá Cù Lao Chàm với vẻ đẹp biển cả thanh bình, đắm mình trong không gian cổ kính và lãng mạn của Phố cổ Hội An, và ngược dòng thời gian đến với Thánh địa Mỹ Sơn huyền bí, để cảm nhận trọn vẹn những sắc màu đa dạng và quyến rũ của vùng đất Quảng Nam.

Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An

Nằm ở phía hạ lưu sông Thu Bồn, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm – Hội An có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo của vùng cửa sông và ven bờ, kết nối hài hòa giữa con người và thiên nhiên. Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm – Hội An có tổng diện tích 33.475 ha, được phân thành 3 phân vùng chức năng:
Vùng lõi – Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm: Có diện tích 11.560 ha là nơi thực hiện chủ yếu chức bảo tồn thông qua hoạt động của Khu bảo tồn biển và lực lượng bảo tồn rừng đặc dụng Cù Lao Chàm. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm góp phần quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ phát triển, cải thiện sinh kế cho cộng đồng cư dân, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường và các giá trị tài nguyên thiên nhiên tại xã đảo Cù Lao Chàm. Hòn đảo này cũng là nơi đầu tiên trên cả nước thực hiện chương trình “Nói không với túi ni lông”, phát động “Nói không với ống hút nhựa” và hướng đến nói không với rác thải nhựa dùng một lần.
Vùng đệm – Vùng cửa sông Thu Bồn: Là vùng đi từ biển vào đất liền với diện tích trải dài lên đến 20,350 ha. Vùng cửa sông Thu Bồn thừa hưởng một hệ sinh thái đa dạng với hệ thống sông, kênh rạch, bãi biển, rừng ngập mặn mà ở đây chủ yếu là dừa nước. Rừng dừa nước Cẩm Thanh, căn cứ địa nổi tiếng một thời, nay trở thành địa điểm thu hút đông đảo du khách muốn được trải nghiệm khung cảnh làng quê sông nước Nam Bộ ngay tại miền Trung. Nơi đây còn là bãi đẻ của nhiều loài thủy hải sản và đóng vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát chất lượng nước trước khi ra biển và liên kết sinh thái giữa lục địa – đại đương.
Vùng chuyển tiếp:  Là phần diện tích tự nhiên còn lại, trong đó nổi bật là khu phố cổ Hội An quyến rũ du khách bởi vẻ đẹp trộn lẫn giữa không gian truyền thống và hơi thở của thời đại mới. Hội An là một “di sản sống”, trong đó những con người xứ Quảng nhân tình thuần hậu, các làng nghề truyền thống gắn kết thiên nhiên và con người.
Ngày 26/5/2009, tại đảo Jeju – Hàn Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO)công nhận Cù Lao Chàm – Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Xem video 360 độ về Cù Lao Chàm

Đô thị cổ Hội An

Đô thị cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ yếu tố địa lý thuận lợi, Hội An từng là thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Hoa và phương Tây trong suốt thế kỷ 17 và 18. Trước thời kỳ này, khoảng thế kỷ thứ 02 đến 15, nơi đây cũng từng có những dấu tích của thương cảng Chămpa, con đường tơ lụa trên biển. Cách đây hơn 2000 năm, nơi đây là vùng đất của cư dân Sa Huỳnh với nền văn hoá Sa Huỳnh phát triển rực rỡ. Tuy nhiên, vào thế kỷ 19, do giao thông đường thủy không còn thuận tiện, cảng thị Hội An dần suy thoái. Hội An may mắn không bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh và tránh được quá trình đô thị hóa ồ ạt cuối thế kỷ 20.
Đô thị cổ Hội An ngày nay là một điển hình về cảng thị truyền thống ở Đông Nam Á được bảo tồn nguyên vẹn. Phần lớn những ngôi nhà ở đây là những kiến trúc truyền thống có niên đại khoảng chừng thế kỷ 18 và thế kỷ19 phân bố dọc theo những trục phố nhỏ hẹp. Bên cạnh những giá trị văn hóa vật thể qua các công trình kiến trúc nghệ thuật, Hội An còn lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như “bảo tàng sống” về kiến trúc và lối sống đô thị.
Ngày 04/12/1999, tại thành phố Marrakesh (Morocco), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO)  công nhận đô thị cổ Hội An là di sản văn hoá thế giới.

Xem video 360 độ về Phố Cổ Hội An

Khu đền tháp Mỹ Sơn
Khu đền tháp Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Khu đền tháp tọa lạc trong một thung lũng kín có đường kính khoảng 02 km, các dãy núi vòng cung bao bọc trung tâm khu đền tháp, tách biệt với thế giới bên ngoài. Phía Nam khu đền tháp Mỹ Sơn là đỉnh núi Mahapavata (còn có tên gọi khác nhau như đỉnh Hòn Đền, núi Chúa, đỉnh Răng Mèo). Xung quanh đỉnh núi này có nhiều câu chuyện, truyền thuyết gắn liền với cuộc sống tâm linh của cộng đồng dân cư địa phương. Đối với Mỹ Sơn, núi Chúa còn biểu tượng cho đỉnh núi thiêng của vương quốc Chămpa, được ví như ngọn hải đăng đối với các thuyền buôn khi qua vùng đất Amaravati (tiểu quốc Chămpa).
Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng của các vương quốc Chămpa. Địa điểm thung lũng nằm lệch về phía Tây kinh thành Simhaphura (Trà Kiệu) khoảng 20 km.  Bắt đầu từ thế kỷ thứ 04, Mỹ Sơn được các vương quốc Chămpa xây dựng kéo dài đến thế kỷ thứ 13. Trải dài hàng chục thế kỷ, số lượng đền tháp ngày một xây dựng nhiều hơn, Mỹ Sơn trở thành nơi ghi dấu sự phát triển rực rỡ của văn minh Chămpa. Nơi đây, với hơn 70 công trình kiến trúc chứa đựng những giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, được đánh giá tương đồng với các di tích nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á như Ăngko, Pagan, Bôrôbudua.
Với lịch sử phát triển lâu đời, Mỹ Sơn trở thành một kho tàng văn hóa rực rỡ,  sinh động, mang giá trị thẩm mỹ của nhân loại. Nhiều phong cách kiến trúc của nghệ thuật Chămpa được khẳng định và phát triển trong quần thể di tích này.
Sự giao lưu văn hóa, tiếp nhận nền văn minh Ấn Độ trong đó có tín ngưỡng Hindu giáo dần khẳng định vai trò trong xã hội Chămpa, chi phối mọi mặt đời sống chính trị – xã hội. Mỹ Sơn trở thành trung tâm tôn giáo cực thịnh và quan trọng nhất. Các cuộc nghiên cứu, khảo cổ học khẳng định tín ngưỡng thờ vua – thần là tín ngưỡng chủ đạo trong hệ thống thờ tự ở Mỹ Sơn. Đền tháp bố trí, sắp xếp về không gian, thời gian, gắn với quan niệm về vũ trụ, thần linh.
Ngày 04/12/1999, tại thành phố Marrakesh (Morocco), Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp quốc (UNESCO)  công nhận khu đền tháp Mỹ Sơn là di sản văn hoá thế giới.

Xem video 360 độ về Mỹ Sơn

Nguồn : Trung tâm Xúc Tiến Du lịch Tỉnh Quảng Nam

 

Bài viết liên quan