Ở trung tâm Paris, bóng dáng cao lớn của Nhà Thờ Đức Bà đã dõi theo Île de la Cité (Đảo trung tâm Thành phố) hơn 850 năm. Và dù là viên ngọc quý của nghệ thuật Gothic, nhà thờ này cũng đã trải qua những thời khắc đen tối, trở thành nhân chứng chân thực của lịch sử nước Pháp. Từ thời Trung Cổ đến thế kỷ 20, hãy cùng khám phá sáu bí mật trong quá khứ của Nhà thờ Đức Bà Paris.
Thế hệ nhà thờ thứ 5 trên Đảo Cite
Viên đá đầu tiên được đặt vào năm 1163 để xây dựng Nhà thờ Đức Bà Paris thực ra không phải là viên đá đầu tiên! Trước đó, đã có không dưới bốn nhà thờ khác lần lượt tồn tại trên khu đất của Île de la Cité: một nhà thờ Cơ Đốc sơ khai từ thế kỷ 4 dành riêng cho Thánh Stephen, một vương cung thánh đường thời Merovingian, một nhà thờ thời Carolingian và một nhà thờ theo phong cách Romanesque. Những viên đá từ các nhà thờ trước đã được các thợ xây của Nhà thờ Đức Bà tái sử dụng, thậm chí một số đồ trang trí cũng được tái sinh. Ví dụ, bức tượng Đức Mẹ Đồng Trinh trên cổng tympanum Sainte-Anne, kiệt tác của nghệ thuật Romanesque, có niên đại từ những năm 1140–1150!
Napoleon I và Victor Hugo “hợp lực” để cứu Nhà thờ Đức Bà
Bạn có biết rằng nhà thờ này suýt bị phá hủy vào thế kỷ 19 không? Bị tàn phá bởi Cách mạng Pháp, bị biến thành Đền thờ Lý trí rồi thành nhà kho, tòa nhà đã xuống cấp nghiêm trọng đến mức có kế hoạch phá bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra nhờ Napoleon I, người đã tự phong hoàng đế vào năm 1804, và đặc biệt là Victor Hugo, người đã đấu tranh cho việc bảo tồn Nhà thờ Đức Bà Paris thông qua cuốn tiểu thuyết nổi tiếng cùng tên xuất bản năm 1831! Tiếng nói của nhà văn đã được lắng nghe: vào năm 1845, một chương trình trùng tu quy mô lớn được giao cho kiến trúc sư Eugène Viollet-le-Duc.
Những vị vua không đầu và phong trào Sans-Culottes
Trong cuộc Cách mạng Pháp, các bức tượng của dãy tượng Vua Judah phía trên cổng nhà thờ đã bị mất tích và bị chặt đầu. Những người Sans-Culottes (cách mạng Pháp) tưởng rằng đó là tượng các vị vua nước Pháp! Mãi đến năm 1977, 21 trong số 28 chiếc đầu mới được tìm thấy tại công trường của một dinh thự ở quận 9. Trong khi đó, các bức tượng trên cổng nhà thờ đã được phục hồi nhờ chương trình trùng tu. Hiện nay, những chiếc đầu nguyên bản đang được trưng bày tại Bảo tàng Cluny, bảo tàng quốc gia về thời Trung Cổ.
Kẻ xâm nhập giữa các tông đồ
Các bức tượng của 12 tông đồ bao quanh tháp nhọn của nhà thờ đều được Viollet-Le-Duc tạo ra theo phong cách thế kỷ 12 trong quá trình trùng tu. Nhưng kiến trúc sư này đã có một sự táo bạo khác: ông tự khắc họa mình trong hình dáng Thánh Thomas đang chiêm ngưỡng tác phẩm của mình! Đáng chú ý, Thánh Thomas chính là vị thánh bảo trợ của các kiến trúc sư.
Những quái thú phi thời đại
Trong khi các tượng máng nước có hình dạng những con thú kỳ quái kéo dài từ thời Trung Cổ, thì những bức tượng chimeras (quái thú tưởng tượng) trên đỉnh nhà thờ lại là sản phẩm từ trí tưởng tượng và cảm hứng văn học của Viollet-Le-Duc. Trong số đó, nổi tiếng nhất là Stryge, “con ma cà rồng tham lam” – biểu tượng của dục vọng, được lấy cảm hứng từ một bức khắc của Charles Meryon. Hình ảnh này đã trở thành một trong những biểu tượng của Paris.
Con gà trống thiêng liêng
Con gà trống trên đỉnh tháp nhọn, được xây lại hoàn toàn vào thế kỷ 19, không chỉ là một cánh gió bình thường. Từ năm 1935, bên trong nó chứa một thánh tích của Thánh Denis, một trong số các vị Thánh Geneviève và thậm chí cả một mảnh của Mão Gai Thánh được Thánh Louis đưa về vào năm 1239. Đức Tổng Giám mục Paris khi đó, Monseigneur Verdier, đã muốn biến nó thành một “cột thu lôi tâm linh” để bảo vệ những người có đức tin!
Bản dịch của Saigon Global Service theo Anne-Claire Delorme
Nhà báo du hành khắp thế giới
anneclairedelorme@yahoo.fr